Cà phê sạch

Nói tới sản xuất cà phê sạch trên thị trường thế giới hiện nay thì có khá nhiều tiêu chuẩn nhưng cơ bản vẫn là Thực hành nông nghiệp tốt (GAP)

Không phải bây giờ mà hơn 3 năm trước, Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) trong hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2005-2006, đã khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên của mình nên quan tâm tới các chuẩn mực sản xuất cà phê sạch, cà phê bền vững, những khái niệm khá mới mẻ với người trồng cà phê Việt Nam lúc đó.

Hậu quả đã nhìn thấy

Nói tới sản xuất cà phê sạch trên thị trường thế giới hiện nay thì có khá nhiều tiêu chuẩn nhưng cơ bản vẫn là Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), một tiêu chuẩn của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) đưa ra. Ngoài ra, hiện có khá nhiều tổ chức quốc tế có liên quan tới cà phê còn đưa ra những tiêu chuẩn cà phê sạch, cà phê sinh thái, cà phê hữu cơ nhưng chung qui lại vẫn là sản xuất sạch, không tác động xấu tới môi trường sinh thái, sản phẩm không nhiễm dư lượng hóa chất, độc tố nấm mốc và an toàn cho người trồng cà phê.

Muốn sản xuất sạch, bớt sử dụng hóa chất thì người trồng cà phê bớt sử dụng phân hóa học, thay vào đó là phân hữu cơ (phân xanh, phân rác ủ, phân hữu cơ vi sinh…). Áp dụng thực hành phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM), tức hạn chế sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, tưới nước vừa phải, tiết kiệm nguồn nước và không ảnh hưởng đến đất trồng.

Hai năm qua, nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đau đầu trước vấn nạn ve sầu hại cà phê, gây vàng lá, héo rũ cà phê nhưng theo nhiều nhà khoa học, dịch ve sầu hại cà phê thực chất bắt nguồn từ việc nông dân dùng quá nhiều phân hóa học, dùng thuốc bảo vệ thực vật quá liều làm nền đất thiếu chất hữu cơ, côn trùng có lợi hay còn gọi là thiên dịch bị tiêu diệt. Do vậy nên ve sầu dễ lây lan thành dịch mà có niên vụ cà phê, người ta ước tính thiệt hại cho ve sầu làm giảm năng suất cà phê tới gần 50.000 héc ta với thiệt hại hàng trăm triệu đô la Mỹ.

ĐỌC THÊM  6 lỗi rang cà phê thường gặp & cách khắc phục

Với Việt Nam, việc canh tác cà phê sạch, cà phê sinh thái không chỉ là lời nói suông mà trong thực tế, ai cũng biết gần như cà phê của Việt Nam được trồng ở các tỉnh Tây Nguyên như Dak Lak, Lâm Đồng, Dak Nông, Gia Lai, những địa phương đồi núi khó khăn trong nguồn nước tưới. Từ nhiều năm qua, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong nước đã lên tiếng cảnh báo tình trạng nguồn nước ngầm ở nhiều nơi trồng cà phê bị tụt giảm nhanh chóng do khai thác cho tưới cà phê bừa bãi. Thậm chí ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương còn khuyến cáo người nông dân chỉ nên đầu tư trồng cà phê ở những nơi có thể chủ động được nguồn nước.

Thật đau lòng cứ đến khi hạn hán nặng hay có dịch bệnh phát sinh, báo chí khi thì đăng tin thiệt hại cho cà phê do hạn hán, do dịch bệnh ve sầu lên hàng chục triệu đô la Mỹ, khi thì hàng trăm triệu đô la Mỹ. Suy cho cùng, những thiệt hại đó đều bắt nguồn từ quy hoạch vùng trồng cà phê của chính quyền cho tới quy trình trồng cà phê sạch của người nông dân.

cà phê sạch

Manh nhà cà phê sạch

Hai năm trở lại đây, ý thức sản xuất cà phê sạch, cà phê sinh thái, cà phê hữu cơ đã xuất hiện. Tại Lâm Đồng, ngành nông nghiệp tỉnh này đã triển khai thành công dự án xây dựng mô hình phát triển cà phê bền vững tại huyện Di Linh – vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của tỉnh, với sự tài trợ của Công ty cà phê ICP (Đức) từ năm ngoái.

ĐỌC THÊM  Bí quyết giúp bạn giảm cân bằng cà phê hạt nguyên chất

Sau một năm triển khai, dự án đã xây dựng 4 mô hình chuẩn, từ tập huấn kỹ thuật trồng cà phê bền vững cho nông dân, chuyển giao kỹ thuật tưới nước và bón phân không ảnh hưởng xấu đến môi trường, quản lý dịch hại, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và chế biến sau thu hoạch, đến kỹ năng tiếp cận thị trường.

Kết quả là trong niên vụ cà phê vừa qua, hơn 200 hộ tham gia dự án đã cung ứng ra thị trường gần 320 tấn cà phê nhân đạt chứng chỉ 4C (còn gọi là Hiêp hội quy tắc chung cho cộng đồng cà phê, tiếng Anh: Common Code for the Coffee Community Association) – một loại chứng chỉ  trồng cà phê dựa trên nguyên tắc bền vững môi trường, kinh tế, xã hội của EU. Đây là những tấn cà phê nhân đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng chỉ loại này.

Trong năm nay, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện dự án với 200 hộ trồng cà phê khác, nâng sản lượng cà phê đạt chứng chỉ 4C lên 1.000 tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, dự án đã phần nào giúp nông dân trong tỉnh khắc phục một số nhược điểm của sản phẩm cà phê Lâm Đồng như chất lượng không đồng đều, giá trị kinh tế thấp và khả năng cạnh tranh yếu trên thị trường thế giới.

Trước đó, khái niệm cà phê Utz Kapeh được xem như là tiêu chuẩn cà phê sạch sớm nhất ở Việt Nam. Đây là chương trình chứng nhận toàn cầu dành cho các hoạt động sản xuất và cung ứng cà phê có trách nhiệm cao, thực hiện bởi một tổ chức phi chính phủ mang tên Utz Kapeh – tiếng Maya có nghĩa là cà phê tốt – trụ sở chính tại Amsterdam – Hà Lan. Bộ nguyên tắc Utz Kapeh bao gồm 114 điều quy định chi tiết về tính truy nguyên và định dạng sản phẩm, giống và chủng loại, việc quản lý đất trồng, chế độ canh tác phân bón tưới tiêu và thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và chế biến, an toàn và phúc lợi cho người lao động.

ĐỌC THÊM  Cà phê rang xay là gì? Cách nhận biết cà phê rang xay chuẩn

Đến nay, đã có 7 công ty trồng và kinh doanh cà phê thuộc 3 tỉnh Đak Lak, Quảng Trị, Sơn La và 1 công ty thu mua của Anh đặt tại Lâm Đồng được Utz Kapeh cấp chứng chỉ.

Thực tế qua một vài năm trồng cà phê theo tiêu chuẩn Utz Kapeh, một số công ty trồng và xuất khẩu cà phê Việt Nam thừa nhận nhiều nhà nhập khẩu cà phê đang ráo riết tìm nguồn hàng cà phê có chứng nhận của Utz Kapeh với mức giá cao hơn nhiều so với cà phê chưa có chứng chỉ. Do vậy mà tới năm 2010, Utz Kapeh dự kiến sẽ cấp chứng chỉ cho 100.000 tấn cà phê của Việt Nam, tức chiếm 10% sản lượng cà phê cả nước. Vụ cà phê 2006-2007, sản lượng cà phê đạt chuẩn Utz Kapeh của cả nước được 22.000 tấn với giá bán cao hơn 40 đô la Mỹ/tấn so với cà phê nhân cùng loại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *